Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nhiều điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế của Thái Nguyên

2021-05-16 11:16:00.0

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tạo việc làm cho gần 14.800 người với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng

Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao

Dù gặp không ít khó khăn khách quan, nhưng các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh Thái Nguyên vẫn có tăng trưởng ấn tượng. Đánh giá 4 tháng đầu năm 2021 cho thấy, chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng 9% so với cùng kỳ, với các nhóm ngành đóng góp chủ lực là: Công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 9,8%; may mặc tăng 67,3%; sắt thép các loại tăng 33,2%... Giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng đạt tới 9,72 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ, bằng 34,5% kế hoạch cả năm; tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm gần như tuyệt đối là 9,58 tỷ USD.Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.934,5 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ, bằng 31,6% dự toán năm.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng được khống chế ở mức thấp, chỉ tăng 0,28% so với bình quân cùng kỳ.

Trung tâm thương mại và Đại siêu thị GO! Thái Nguyên - đây là Trung tâm thương mại và Đại siêu thị lớn nhất, hiện đại nhất của Tập đoàn Central Retail đầu tư tại Việt Nam

Một tín hiệu rất đáng ghi nhận nữa là việc thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Kết thúc 4 tháng, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 275 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 2.277 tỷ đồng; cấp điều chỉnh thay đổi cho 626 doanh nghiệp. Qua đó, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt con số 7.726; tổng vốn đăng ký 106.349 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án sử dụng nguồn vốn trong nước với tổng số vốn là 1.008 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh 9 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 91,72 triệu USD. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 164 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 8,7 tỷ USD.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh thời gian qua tiếp tục có nhiều cải thiện tích cực. Đáng chú ý kết quả công bố mới đây cho thấy, trong năm 2020, Thái Nguyên đã tăng đến 36 bậc để xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng tăng 1 bậc, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát đại dịch COVID-19; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên và Cụm công nghiệp Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công cho Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL)

Nhóm các giải pháp, nhiệm vụ được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2021 là: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, thẩm định, cấp phép đầu tư.Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp; nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên; triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm cho người dân...

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng chủ trì Phiên họp thứ 47 UBND tỉnh Thái Nguyên (phiên họp tháng 4) để thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quý I/2021, đề ra nhiệm vụ trọng tâm quý II/2021 và cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội

Tại phiên họp đánh giá nhiệm vụ những tháng đầu năm, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh đạt được là tương đối khả quan, nhưng cũng không được chủ quan, nhất là chỉ tiêu về thu ngân sách, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa… mà cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng chí yêu cầu ngành Thuế cần tăng cường quản lý các nguồn thu, nhất là từ khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất và các nguồn thu trong hoạt động xây dựng, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao hơn nữa tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực và hành động quyết liệt, tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3525028