Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 30/10 đến ngày 5/11/2023

2023-11-05 20:46:00.0

 

1. Ngày 3/11/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5611/UBND-NC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 ngày 30/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 ngày 30/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của tỉnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hành chính, không để xảy ra trường hợp ban hành văn bản không phải là VBQPPL để quy định các nội dung có tính quy phạm pháp luật; quan tâm kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm của công chức pháp chế trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Sở Tư pháp kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và các văn bản pháp luật cấp trên ban hành, khắc phục tình trạng chậm tham mưu ban hành hoặc chậm tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản; nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong kiểm tra, xử lý VBQPPL; tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành VBQPPL; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá; kiện toàn đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm đủ số lượng và trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Các sở, ngành quản lý lĩnh vực giám định tư pháp tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện giám định tư pháp; bảo đảm kinh phí, điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước kiện toàn đội ngũ giám định viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp.

Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường cơ chế giám sát và phản biện xã hội, vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.

2. Ngày 31/10/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5533/UBND-CNNXD về việc rà soát, đôc đốc, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp các nhiệm vụ được giao để tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả kiểm soát chặt chẽ hoạt động khoáng sản, không để xảy ra sai phạm, thất thoát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý hoạt động khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; có cơ chế giám sát trách nhiệm, quyền lực của cá nhân, bộ phận tổ chức thực hiện trong từng khâu, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực để chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả vật liệu xây dựng thông thường ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, tổ chức thực hiện việc đấu giá các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương. Việc tham mưu tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải tuân thủ đúng, đầy đủ, chặt chẽ, chính xác các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; rà soát, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành Trung ương đối với những nội dung phải xin ý kiến và các nội dung phát sinh (nếu có) theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý (nếu có); tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trục lợi chính sách, thất thoát tài sản, ngân sách, đất đai, khoáng sản của Nhà nước và không gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch theo quy định về thông tin quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép, thời gian, trữ lượng của mỏ.

3. Ngày 31/10/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5515/UBND-TTPVHCC về việc triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa TTHC, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, chuyển đổi số; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đảm bảo 100% hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ số liệu và công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết TTHC được cung cấp đồng thời cả bản điện tử; thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động khi tham mưu ban hành các quy định, TTHC; trong đó kiên quyết chỉ tham mưu ban hành TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới trong trường hợp thật sự cần thiết; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ, đảm bảo phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC.

4. Ngày 01/11/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5553/UBND-CNNXD về việc cải thiện chỉ số hài lòng cấp tỉnh của hợp tác xã trên địa bàn.

Tại văn bản trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau: Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản có liên quan; quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả 08 chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, cụ thể: Chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học - công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội; nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các văn bản của UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; chủ động nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện và hướng dẫn hợp tác xã (với vai trò chủ thể liên kết) tham gia các chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và các thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã, chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ thông tin và tham gia thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể; chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tạo điều kiện thuận lợi giúp hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính triển khai Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; thực hiện tuyên truyền về chỉ số hài lòng của hợp tác xã đến các hợp tác xã để nắm được ý nghĩa và tham gia đầy đủ trong các cuộc khảo sát sắp tới; trên cơ sở kết quả khảo sát Chỉ số hài lòng cấp tỉnh của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hằng năm tổng hợp những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp khắc phục…

5. Ngày 3/11/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5613/UBND-NC về việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo nội dung công văn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc rà soát các cơ sở nuôi dưỡng, đánh giá nhu cầu trẻ em cần tìm gia đình thay thế và đôn đốc cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ trẻ em cần tìm gia đình thay thế để thực hiện các thủ tục tìm gia đình cho trẻ em trên địa bàn; kịp thời tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp kết quả rà soát các cơ sở nuôi dưỡng và số lượng trẻ em đã được đánh giá nhu cầu cần tìm gia đình thay thế trên địa bàn; tích cực tuyên truyền để công dân Việt Nam thường trú trong nước có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi đăng ký nhu cầu tại Sở Tư pháp, hạn chế việc người nhận con nuôi tự ý liên hệ trực tiếp với cơ sở nuôi dưỡng để lựa chọn trẻ nhận làm con nuôi.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở nuôi dưỡng thường xuyên rà soát, đánh giá nhu cầu, lập danh sách trẻ em nhằm kịp thời tìm gia đình thay thế cho trẻ em trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

UBND các huyện, thành phố hướng dẫn trình tự, thủ tục tiếp nhận trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập, trong trường hợp trẻ em không được nhận chăm sóc bằng các hình thức ưu tiên khác theo quy định của pháp luật; rà soát danh sách trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội định kỳ 06 tháng; tiếp nhận kiến nghị của cơ sở trợ giúp xã hội để xem xét, quyết định hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển trẻ em sang hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, trong đó có nuôi con nuôi theo quy định của Luật Trẻ em; hướng dẫn UBND cấp xã, cơ sở nuôi dưỡng đánh giá động cơ, mục đích của việc nuôi con nuôi, điều kiện, hoàn cảnh, ý kiến đồng thuận của gia đình người nhận con nuôi nhằm tránh tình trạng phân biệt giữa con nuôi và con đẻ, bỏ mặc con nuôi… gây hậu quả xấu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; rà soát, đánh giá các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập cấp giấy phép hoạt động khi đủ điều kiện; nếu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định thì sáp nhập hoặc giải thể cơ sở.

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3525581